Tại Việt Nam Phong_trào_Thiếu_nhi_Thánh_thể

Việt Nam, phong trào được thành lập đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1929 do hai linh mục Léon Paliard và Paul Urureau, Hội Linh mục Xuân Bích, mang tên Nghĩa Binh Thánh Thể. Phong trào được hàng giáo phẩm và giáo dân hưởng ứng nên đã phát triển khắp Việt Nam trong suốt thập niên 1930: Huế (1931), Sài Gòn (1931), Phát Diệm (1932), Thanh Hoá (1932), Vinh (1935), Vĩnh Long (1935), Quy Nhơn (1936), Bùi Chu (1937), Thái Bình (1937), Bắc Ninh (1938)...[1] Tùy theo lứa tuổi từ nhỏ tới lớn, Nghĩa Binh được chia ra làm Tiền Binh, Trung Binh và Hậu Binh.

Cuộc di cư năm 1954 đã làm phát triển rộng lớn hơn nữa Nghĩa Binh Thánh Thể ở miền Nam. Năm 1957, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã bổ nhiệm linh mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm Tổng tuyên uý đầu tiên. Sinh hoạt Nghĩa Binh bắt đầu đòi hỏi đổi mới cho phù hợp với tâm lý giới trẻ. Cùng lúc với tinh thần đổi mới của Công đồng Vatican II, phong trào đã thêm vào sinh hoạt cầu nguyện thuần tuý của Nghĩa Binh Thánh Thể một đường lối mới: giáo dục trẻ và dùng phương thức sinh hoạt trẻ vào trong các hoạt động. Vì thế, bản nội quy thống nhất được ra đời và đổi tên Nghĩa Binh Thánh Thể thành phong trào Thiếu nhi Thánh Thể Việt Nam.

Năm 1971, Hội đồng Giám mục phê chuẩn bản nội quy mới. Năm 1972, Đại hội Toàn quốc Về Đất hứa 1 tổ chức tại Bình Triệu quy tụ khoảng 2.000 huynh trưởng. Vào thời điểm này, các giáo phận phía Nam có tới 140.000 đoàn viên và 3.800 huynh trưởng trong 650 xứ đoàn của 13 giáo phận. Ở miền Bắc, phong trào Thiếu nhi Thánh Thể vẫn tiếp tục hoạt động chủ yếu là sinh hoạt giáo lý và đạo đức.